4 điều khác biệt ở môi trường học tập Mỹ mà du học sinh có thể trải nghiệm

Học tập

4 điều khác biệt ở môi trường học tập Mỹ mà du học sinh có thể trải nghiệm

Bước chân đến Mỹ – thiên đường giáo dục, bạn sẽ trải nghiệm một nền văn hóa và hệ thống giáo dục hoàn toàn khác biệt. Sự “khác biệt” ở đây không chỉ nằm ở văn hóa, con người, hay môi trường sống, mà còn ở “lối suy nghĩ” và “tư duy”. Dù Mỹ luôn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu về chất lượng giáo dục, bạn đã bao giờ tự hỏi môi trường học ở Mỹ có gì khác so với Việt Nam chưa? Là một du học sinh đang sinh sống tại Mỹ, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số điểm khác biệt giữa nền giáo dục và văn hóa tại Mỹ và Việt Nam nhé.

1. Môi trường học tập linh hoạt với nhiều khóa học hybrid (kết hợp học trực tiếp và trực tuyến)

    Ở Mỹ, văn hóa làm việc và học tập thường khá thoải mái và linh hoạt. Nhiều khóa học tại các trường đại học cho phép sinh viên chọn học online hoặc theo hình thức hybrid (kết hợp giữa học online và trực tiếp) thay vì bắt buộc phải có mặt tại trường suốt cả ngày. Mặc dù vậy, sinh viên và giáo sư vẫn tương tác rất hiệu quả trong các lớp học, một phần vì điểm “participation score” (điểm tham gia) thường chiếm từ 20-25% tổng điểm cuối kỳ. Điều này khuyến khích sinh viên phải tích cực tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến trong các buổi học để đạt được điểm cao. Nhiều giáo sư còn cung cấp rubric cụ thể để đánh giá chất lượng tham gia của sinh viên, phân chia thành các mức độ khác nhau với điểm số tương ứng, từ đó thúc đẩy sinh viên tham gia sâu hơn vào các cuộc thảo luận.

    Hình thức học online rất phổ biến tại các trường đại học ở Mỹ vì tính linh hoạt, tiện lợi và chi phí thấp, trong khi chất lượng giảng dạy vẫn được đảm bảo. Rất nhiều chương trình ở Mỹ có tới 50% số khóa học là online. Ví dụ như mình đang theo học chương trình Master of Global Management tại Arizona State University, một nửa số môn học của mình trong tổng chương trình có thể học online. Một số môn core sẽ được học trên giảng đường như: Marketing, Tài chính, và Quản trị etc, tuy nhiên mình có thể lựa chọn rất nhiều môn học online về như: Start-up Investing, Strategic Management and Innovation etc..

    Một điểm đáng chú ý nữa là dù lớp học online, trực tiếp hay hybrid, tất cả đều có “office hour” cố định trong tuần. Đây là thời gian mà sinh viên có thể gặp trực tiếp giáo sư hoặc trợ giảng để giải đáp mọi thắc mắc về môn học. Nhờ vậy, ngay cả khi học online, sinh viên vẫn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ giảng viên, đảm bảo chất lượng giảng dạy không khác gì học trực tiếp tại trường.

    Strategic Management of Technology and Innovation – lớp học tại ASU 100% online

    2. Giáo sư thường mời guest speaker để chia sẻ kiến thức thực tế và kết nối với sinh viên

      Ở Mỹ, các giáo sư thường rất thích mang thực tế cuộc sống vào bài giảng của mình, và một trong những cách họ làm điều này là mời các guest speaker như CEO, Director hay Manager từ những công ty lớn đến chia sẻ kinh nghiệm. Đây không chỉ là cơ hội tuyệt vời để sinh viên học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành, mà còn là dịp để tạo dựng networking và mở rộng các mối quan hệ trong ngành.

      Các guest speaker khi tham gia giảng dạy không chỉ giới thiệu các project mới của công ty mà còn cùng sinh viên và giáo sư thảo luận, giải đáp câu hỏi và đưa ra những hướng đi sáng tạo cho dự án của họ. Điều này giúp tạo ra những ý tưởng mới mẻ và giải pháp đột phá cho những vấn đề mà công ty đang gặp phải. Hơn nữa, các giáo sư ở Mỹ thường có mạng lưới quan hệ rất rộng và đa dạng, nên những guest speaker được mời tới cũng thường là những người có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành, như CEO của các công ty hàng đầu.

      Khi mình học môn Metaverse, giáo sư đã mời rất nhiều guest speakers, trong đó có một người là Vice President tại Digital Innovation của Ulta Beauty – một công ty mỹ phẩm nổi tiếng ở Mỹ. Quá ấn tượng với dự án của họ, mình đã chủ động kết nối với bà qua LinkedIn và trò chuyện về định hướng nghề nghiệp cũng như cách chuyển đổi sang ngành mỹ phẩm. Cuộc trò chuyện kéo dài chỉ 30 phút qua Zoom nhưng đã mở ra rất nhiều điều mới mẻ cho mình. Không những thế, bà Michelle còn kết nối mình với nhiều mạng lưới “xịn xò” khác trong ngành mỹ phẩm. Những buổi trò chuyện như vậy thực sự bổ ích, đặc biệt là đối với những sinh viên đang tìm kiếm định hướng tương lai hoặc muốn thâm nhập vào lĩnh vực nghề nghiệp mà họ yêu thích.

      Giảng viên khách mời môn Metaverse của mình là Vice President tại Digital Innovation của Ulta Beauty – một công ty mỹ phẩm nổi tiếng ở Mỹ

      3. Những kỳ thi: Không bao giờ công bố điểm số cá nhân; có thể “mở” tài liệu

        Ở Mỹ, điểm số được xem như một loại thông tin cá nhân cần được bảo mật và tôn trọng. Khi sinh viên đi thi, nộp bài, hay làm bài online, điểm số sẽ được giáo sư chấm trực tiếp trên hệ thống học tập trực tuyến của trường, vì vậy chỉ có mỗi bạn mới biết điểm của mình. Nếu thi trên lớp và làm bài viết tay, khi trả bài, giáo sư thường trả bài riêng tư cho từng người. Mình rất thích văn hóa này, vì nếu chẳng may điểm thấp, mình cũng không cần phải xấu hổ trước bạn bè và có thêm động lực để cố gắng hơn.

        Một điểm thú vị khác là trong các kỳ thi giữa kỳ hay cuối kỳ, nhiều môn học cho phép “open book,” tức là bạn có thể mang sách, ghi chú, và tài liệu vào phòng thi. Một số môn có giới hạn tài liệu mang vào, chẳng hạn chỉ được phép mang 5 trang A4 với cỡ chữ không nhỏ hơn 14. Cũng có môn giáo sư rất thoải mái, cho phép bạn làm bài ở bất kỳ đâu, thậm chí sử dụng nguồn tài liệu mở để tra cứu. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng điều này làm cho đề thi trở nên dễ dàng. Nhiều câu hỏi và bài luận yêu cầu bạn vận dụng những kiến thức đã học từ sách giáo trình hoặc case study để phân tích một tình huống cụ thể. Vì thế, nếu không thực sự hiểu sâu vấn đề, mà chỉ dựa vào tra cứu Google hay ChatGPT, hoặc chờ đến phút chót mới đọc sách, thì việc qua môn sẽ trở nên rất khó khăn.

        4. Tính ứng dụng thực tế rất cao, tham gia trực tiếp các dự án thực tế

          Khi bạn học tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, không chỉ có được nguồn kiến thức chất lượng và mạng lưới kết nối mạnh mẽ (bao gồm giáo sư, bạn bè, và cựu sinh viên), mà bạn còn có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào các dự án thực tế với các công ty lớn. Trong nhiều môn học, dự án cuối kỳ thường là những công việc thực tế và nhiều giáo sư có quan hệ mật thiết với nhân sự cấp cao ở các công ty, giúp sinh viên làm việc trực tiếp và đóng góp vào các dự án của doanh nghiệp. Ví dụ, trong môn Metaverse do giáo sư Travis Cloyd giảng dạy, nhóm của mình đã có cơ hội làm việc trực tiếp với CMO của Worldwide XR để phát triển dự án Avatar Rights của công ty. Đây là một project hay ho trong hồ sơ xin việc của mình, vì Worldwide XR là công ty nổi tiếng ở Mỹ trong lĩnh vực quản lý Digital Assets của các ngôi sao Hollywood tại Mỹ.

          Bên cạnh đó, chương trình mình học tại Thunderbird School of Global Management thuộc Arizona State University còn cung cấp cho sinh viên cơ hội tham gia Global Challenge Lab. Đây là chương trình thực tập đặc biệt kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng và sinh viên được đến trực tiếp các công ty trên toàn thế giới để làm việc thực tế. Các dự án công ty tham gia thay đổi mỗi năm, nhưng có rất nhiều công ty lớn như Intel, Honeywell, Worldwide XR, TSMC, Uber và nhiều công ty khác ở châu Âu, Mỹ, châu Á, Úc, và châu Phi. Trường tài trợ toàn bộ chi phí vé máy bay và khách sạn. Đây là cơ hội tuyệt vời cho sinh viên bắt tay vào làm “người thật, việc thật”, mở rộng network với nhân sự trong công ty mình yêu thích. Nhiều sinh viên đã nhận được việc làm fulltime nhờ vào những kết nối và kinh nghiệm có được từ chương trình này.

          Một nhóm sinh viên Thunderbird – ASU Global Challenge Lab gặp gỡ đối tác tại Guanajuato, Mexico.
          Các sinh viên Thunderbird (từ trái qua phải) Melissa Ballesteros, Shi Chi Lin, Talia Williams, David DeBaggis vi vu Dubai, UAE trong lịch trình thực hiện dự án.

          Chia sẻ