5 kỹ năng mềm giúp một du học sinh bứt phá so với số đông

Học tập

5 kỹ năng mềm giúp một du học sinh bứt phá so với số đông

Thế nào là một hành trình du học thành công? Với mình thì đó là việc cả sức khỏe thể chất, tinh thần và sự nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn. Từ khi xác định tinh thần sẽ đi du học, mình đã luôn đặt câu hỏi làm sao để du học không chỉ là du lịch dài hạn, tiêu tiền và quay về vẫn với phiên bản cũ, mà mình phải tận dụng cơ hội này để phát triển ở một môi trường mới?

Mình nghiệm ra, có những du học sinh đã tìm được công việc làm thêm từ khi còn đi học, sau đó tiếp tục nhận được công việc đáng mơ ước cho một sinh viên mới ra trường: kinh nghiệm làm việc trên Linkedin thì vô cùng phong phú và cuộc sống du học thì đầy sắc màu. Không có yếu tố may mắn nào ở đây cả! Đây là 5 kỹ năng mềm giúp một du học sinh thực sự bứt phá so với số đông.

1. Communication – Kỹ năng giao tiếp

    “We are stronger when we listen and smarter when we share.” (Chúng ta mạnh mẽ hơn khi lắng nghe và sáng suốt hơn khi chia sẻ)

    Du học là chuyển cả “hệ điều hành” của bạn sang một ngôn ngữ khác. Giao tiếp lúc này không chỉ là lặp lại những đoạn hội thoại kiểu mẫu như trong giáo trình IELTS nữa, mà đó là tất cả những ứng xử, những giao tiếp, lập luận, thể hiện bản thân hoàn toàn bằng một ngôn ngữ khác! Đặc biệt là ở Mỹ – một môi trường cực kỳ cạnh tranh và mở, kỹ năng giao tiếp ở đây cụ thể là:

    • Nói chuyện được trong đời sống hằng ngày: Không chỉ giao tiếp trên lớp với giáo sư, với bạn bè, bạn cần có khả năng giao thiệp được, “small talk” được với cả những người bản địa trong chính nơi bạn ở. Đó có thể là người order burger cho bạn tại In-n-Out, anh chàng thu ngân tại Walmart hay người lái Uber trên đường. Thật vậy, khi chưa mua xe, mình hay đi Uber đi đó đây, từng cuốc Uber là một câu chuyện – mình gặp người giáo viên thanh nhạc nghỉ hưu nay mở lớp dạy tụi nhỏ hàng xóm, một người bạn Argentina nhập cư không còn một người thân nào một mình xây dựng cuộc sống trên đất Mỹ, vv. Chỉ bằng kỹ năng giao tiếp, mình dễ dàng kết nối với mọi người như vậy, với bất cứ ai ở đất nước mới này, mở rộng thế giới quan và được nghe những câu chuyện hay ho như thế.
    • Có tiếng nói trong lớp học: Thường xuyên giơ tay phát biểu, tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Thật ra tụi Mỹ được cái rất là “to mồm” nhưng chưa chắc luận điểm đã toàn là tốt – bạn phải thắng được cái sự “to mồm” của tụi nó và vẫn bình tĩnh nói hết lên được luận điểm của mình – bình tĩnh, chậm rãi, thậm trí cả sai ngữ pháp – cũng không sao cả! Hãy cứ xung phong thuyết trình, nhận làm leader cho teamwork,… Làm vậy không chỉ tăng điểm participation, mà còn tập cách tạo chỗ đứng của mình trong bất cứ môi trường nào.
    • Biết cách “PR” bản thân: Thật sự, nếu bạn có giỏi đến cỡ nào mà không biết cách thể hiện nó ra thành lời hoặc bằng sản phẩm thì cũng… không ai biết. Văn hóa châu Á hay dạy chúng ta phải khiêm tốn nhưng đây chưa hẳn đã là một chiến lược tốt nếu muốn thành công ở Mỹ. Hãy bắt đầu với giới thiệu tên và quốc tịch của mình như một câu chào thương hiệu. Thể hiện năng lực qua hành động, ví dụ để teammate biết mình là người đúng giờ và nghiêm túc bằng cách thông báo deadline và hoàn thành đúng hạn. Tập nói về bản thân mình, sâu chuỗi các câu chuyện để người khác biết bạn là ai – điều này được Onboard hướng dẫn rất sâu ở trong Khóa học Networking dành cho Du học mới.

    Nhiều bạn chia sẻ rằng mình như một con người khác, tự tin hơn, dũng cảm hơn, khi chuyển sang nói tiếng Anh. Vậy thì đó có thể là một biểu hiện bạn đã tư duy và hòa nhập rất tốt.

    Để có kỹ năng giao tiếp tốt chúng ta cần luyện tập rất nhiều khía cạnh và thực hành liên tục trong cuộc sống hằng ngày.

    2. Confidence – Sự tự tin

      “Fake it until you make it” (Giả vờ cho đến khi thành sự thật)

      Nhiều người không nghĩ rằng tự tin là một kỹ năng. Họ cho rằng những người tự tin là bẩm sinh, hoặc do được nuôi dạy trong một môi trường tốt từ bé, hoặc có một tài năng xuất chúng nào đó đáng để tự hào.

      Nhưng sự thật thì tự tin có thể luyện tập được.

      • Thoải mái khi đứng trước mọi người
      • Thoải mái khi nói tiếng Anh chưa-hay-lắm.
      • Thoải mái khi trình bày ý kiến.

      Bộ não có khả năng ghi nhận những hành động lặp đi lặp lại là thói quen và tính cách của chúng ta. Lần đầu đứng thuyết trình trong lớp, bạn có thể rất run, có thể nói lắp. Nhưng hãy cứ tiếp tục thuyết trình. Qua 5 lần thuyết trình là bạn không còn run nữa. Qua 50 lần thuyết trình có thể bạn sắp bước vào hội thảo quốc tế được rồi.

      Có bạn đặt câu hỏi rằng em không dám bắt đầu thì phải làm sao. Chúng ta không dám bắt đầu vì sợ bị phán xét. Sợ mọi người nói về chiều cao và màu da Châu Á, sợ họ không hiểu khi nói thứ Tiếng Anh còn lẫn accent Việt, sợ họ phủ nhận ý kiến của mình.

      Nhưng chẳng ai phán xét bạn cả, chỉ có chúng ta đang tự phán xét mình thôi. Trong lớp học ở Mỹ có đủ chủng tộc người, đi cùng với đó là đủ loại accent Pháp, Ấn Độ, người Mỹ gốc Phi, Châu Á; đủ loại quan điểm… Miễn là chúng ta vẫn biết cách giao tiếp tốt (như đã nói ở trên) thì chẳng ai phán xét accent hay quan điểm của bạn đâu.

      • “Mình là du học sinh cơ mà”. Luôn tự nhủ, mình là du học sinh, cố gắng đến đây được đã là một sự nỗ lực rồi, mình cũng rất giỏi đấy chứ. Hãy cứ thoải mái mà mang những gì mình đang có ra và kết nối với mọi người.
      • “Mình nói là mình thắng”. Ở một môi trường cạnh tranh như nước Mỹ, nếu bạn không tự tin, không dám cất tiếng nói, không bước ra ánh sáng để mọi người chú ý, lắng nghe, thì dù bạn có giỏi đến đâu cũng không ai biết. Có rất nhiều người có thể năng lực chuyên môn không tốt như bạn, nhưng vì họ tự tin, dám nói, dám thể hiện bản thân, dám giành sự chú ý, nên lại nhận được cơ hội tốt hơn bạn.

      3. Planning – Kỹ năng lập kế hoạch

        “By failing to prepare, you are preparing to fail.” (Không chuẩn bị cho việc gì là chuẩn bị cho thất bại)

        Như mình đã nói, du học không phải là đi du lịch dài hạn và đóng tiền học phí. Bạn chỉ có vài năm để thực sự tự chủ ở đất nước mới. Mỗi ngày sống lộn xộn sẽ tạo ra thành tích học tập lộn xộn, một chiếc resume lộn xộn và vòng bạn bè cũng lộn xộn nốt. Mình đã đặt ra 5 mục tiêu khi du học và kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu đó.

        5 mục tiêu mình đặt ra cho hành trình du học

        4. Networking – Xây dựng mối quan hệ

          “Your network is your networth” (Nhân mạch là tài sản)

          Một bạn khác học ngành Business Analytics tại Seattle University và đã được thực tập tại Remitly (một công ty lớn về dịch vụ chuyển phát quốc tế) với mức lương $90,000/năm nhờ reference của giáo sư.

          Trước đây, mình thấy câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” rất tiêu cực vì nó gắn với những câu chuyện không mấy hay ho. Tuy nhiên, khi đi học, đi làm rồi mới thấy networking – xây dựng mối quan hệ thực sự rất quan trọng. Có những bạn đi rải CV và phỏng vấn khắp nơi nhưng vẫn không tìm được việc. Trong khi có những bạn được bạn bè, đồng nghiệp cũ, giáo sư, thậm chí là hàng xóm, giới thiệu cho công việc và được nhận ngay.

          Networking cho chúng ta một thứ quyền lực là thông tin. Bạn càng có nhiều thông tin thì càng dễ nắm bắt cơ hội và tổ chức cuộc sống tốt hơn. Bạn có thể biết được một vị trí tuyển dụng qua giáo sư của mình, tìm được một anh chị đang làm đúng trong vị trí mà bạn quan tâm để nhờ sửa CV cho; biết một chỗ đi chơi ít người biết, một cửa hàng bán đồ đúng gu bạn qua bạn bè. Tất cả những thông tin từ vòng tròn mối quan hệ của bạn đều có thể mang lại nhiều giá trị cho cho bạn.

          5. Emotional Intelligence – Quản lý cảm xúc

            “Be your own best friend” (Trở thành bạn thân của chính mình)

            Bên cạnh những kỹ năng mềm hướng ra ngoài cuộc sống, việc quay vào bên trong và quản lý cảm xúc cũng vô cùng quan trọng.

            Ở một đất nước xa lạ, phải sống tự lập, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều tình huống khó khăn. Nhưng đó cũng những năm tháng giúp bạn học cách yêu thương bản thân nhiều nhất. Bạn sẽ không ngừng học cách vượt lên những niềm tin giới hạn của bản thân.

            Chẳng hạn, khi bị phân biệt chủng tộc, bị từ chối trong một công việc nào đó, thay vì nghi ngờ bản thân thì hãy nhắc mình rằng giá trị con người không nằm ở màu da, xuất thân, hay một màn phỏng vấn. Đó là cách bạn vượt lên niềm tin về việc bản thân không đủ tốt.

            Khi cảm thấy burnout, lạc lõng, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Bình thường bạn có thể là một người rất độc lập mạnh mẽ, nhưng nhờ người khác giúp đỡ cũng không hề yếu đuối.

            Hãy học cách cân nhắc mọi thứ xem khi nào nên cố gắng thêm, khi nào nên buông bỏ bớt.

            Điều mình mong muốn là sau hành trình du học, chúng ta không chỉ có tấm bằng hạng ưu, số điểm GPA cao chót vót, hay một offer công việc đáng mơ ước. Chúng ta còn có cả sự hài lòng về bản thân, sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn và nhiệt huyết như ban đầu.

            Trên đây là 5 kỹ năng mềm quan trọng mà mình đã rèn luyện trong suốt thời gian du học để thành công về mặt học thuật, công việc cũng như phát triển con người. Mình tin rằng với 5 kỹ năng này thì chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu du học mà còn tiếp tục chinh phục những mục tiêu lớn hơn nữa trong cuộc sống.

            Hãy chia sẻ cùng Onboard về những vấn đề kỹ năng sống bạn đang gặp phải trong quá trình du học, cũng như câu chuyện truyền cảm hứng của bạn để có thể lan tỏa sự tích cực đến những du học sinh khác nhé. Onboard luôn sẵn sàng network cùng bạn!

            Chia sẻ