5 kỹ năng sống quan trọng mà bạn nên trang bị trước và trong khi đi du học!

Cuộc sống Mỹ

5 kỹ năng sống quan trọng mà bạn nên trang bị trước và trong khi đi du học!

Sinh sống, học tập, và làm việc tại một đất nước mới là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng không kém phần thử thách. Bên cạnh mục tiêu học tập, các em cũng cần trang bị kỹ năng sống để tránh rơi vào tình cảnh lạc đường, những khi bạn bè cười phá lên vì một câu đùa mà mình không hiểu, hay những ngày cuối tháng ăn mì gói. Đây 5 kỹ năng mềm quan trọng mà mỗi bạn du học sinh nên trang bị để vững vàng hơn trong hành trình khám phá thế giới.

1. Quản lý tài chính cá nhân

    Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà các em cần rèn luyện chính là quản lý tài chính. Khi sống xa nhà, việc tự mình kiểm soát chi tiêu sẽ giúp các em tránh rơi vào cảnh “hết tiền cuối tháng” hay những tình huống khẩn cấp hoặc bất đắc dĩ, ví dụ như đi khám bệnh, hay thất lạc đồ dùng thiết yếu…

    Tiết kiệm và chi tiêu hợp lý: Hãy tập thói quen ghi chép lại các khoản thu chi, từ tiền ba mẹ gửi, tiền đi làm thêm, hay tiền đi chợ để cuối tháng/quý tổng kết “ngân quỹ”.

    Chia ngân sách thành các mục cụ thể như tiền ăn, tiền nhà, đi lại, và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp, cũng là một cách rất hữu dụng để các em cân đối chi tiêu.

    Lên kế hoạch tài chính dài hạn: Các em có thể đặt mục tiêu như sau kì thực tập, mình sẽ để dành được $2000. Hoặc xa hơn, có thể học thêm về đầu tư cơ bản, như gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư nhỏ lẻ vào quỹ ETF, để tiền không chỉ nằm im mà còn sinh lời. 

    2. Kỹ năng nấu ăn

    Em có thể không tin, nhưng kỹ năng nấu ăn (bao gồm lên thực đơn, mua nguyên liệu, chế biến, dọn dẹp,…) có thể nói lên rất nhiều điều về cách em quản lý những công việc khác. Vậy nên học nấu ăn không chỉ để tiết kiệm, để… đỡ thèm cơm nhà, mà đó còn là cách em tổ chức sắp xếp cuộc sống của chính mình,

    Trước đây, em đi học về là có cơm nhà, hoặc em có thể đặt rất nhiều đồ ăn ngon, rẻ qua các ứng dụng. Nhưng cuộc sống ở Mỹ thì không như vậy. Một tô phở có thể lên đến $17, rau củ cũng không rẻ như ở Việt Nam. Bài toán đặt ra cho em lúc này là học về dinh dưỡng, học cách lên thực đơn, đi siêu thị, chế biến và bảo quản đồ ăn, để làm sao vừa đủ chất, vừa không rơi vào cảnh đầu tháng ăn uống xa hoa, cuối tháng lại ăn mì gói cầm hơi.

    Không cần phải nấu đủ 4 món trọn vị nhà, các em có thể bắt đầu với những món đơn giản, phù hợp với khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng của bản thân.

    Để giúp việc đi siêu thị tối ưu hơn, không sợ mua dư đồ, các em có thể thử dùng ChatGPT để lên list thực phẩm dành cho 1 người ăn với budget $80/ tuần chẳng hạn. 

    3. Giao tiếp đời thường

    Tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày sẽ khác nhiều so với tiếng anh khi em luyện speaking IELTS, sẽ có nhiều tiếng lóng hơn, những từ ngữ ít trang trọng hơn, hay những câu đùa mang tính văn hoá bản địa hơn.

    Các em có thể học từ việc xem phim, nghe nhạc, hay chỉ đơn giản là tham gia vào cuộc trò chuyện với bạn bản xứ. Có thể 1-2 hay 3 lần chưa quen, nhưng dần dần theo ngữ cảnh, em sẽ hiểu được cách dùng và khi nào nên dùng những phrasal verbs, slang hay idioms đó. 

    4.  Kỹ năng bảo vệ bản thân

    Khi sống ở một nơi xa lạ, các em cần biết cách tự bảo vệ mình trong những tình huống bất ngờ.

    Nói “không” khi cần thiết: Học cách từ chối những lời mời hoặc tình huống không thoải mái mà vẫn giữ được sự lịch sự.

    Tránh nơi vắng vẻ vào ban đêm: Trong trường hợp không có bạn đi chung, các em có thể chia sẻ vị trí và điểm đến của mình với ba mẹ hoặc bạn cùng trường để tiện theo dõi.

    Nắm rõ số điện thoại khẩn cấp: Luôn có trong điện thoại những số điện thoại cơ bản như cảnh sát, xe cứu thương, hay số điện thoại của đội an ninh trường (Campus Safety). 

    5. Hiểu văn hóa địa phương

    Mỗi quốc gia có những nét văn hóa riêng biệt. Tôn trọng sự khác biệt là bước đầu để các em hòa nhập khi bước vào môi trường mới:

    Tôn trọng sự đa dạng: Học cách chấp nhận và tôn trọng những ý kiến, phong tục khác biệt. Điều này sẽ giúp các em xây dựng được mối quan hệ tốt với bạn bè quốc tế.

    Học hỏi từ người bản địa: Hãy quan sát và trò chuyện với các bạn bản xứ để hiểu thêm về văn hóa, từ cách ứng xử trong giao tiếp đến những thói quen hằng ngày.

    Hy vọng bài viết này mang lại cho em những thông tin hữu ích để quản lý cuộc sống du học tốt hơn. Nếu em có những người bạn cần thông tin này, hãy chia sẻ đến họ nhé!

    ✈️ Onboard – Vì một hành trình du học thành công!
    Tham gia Group “Du học sinh cùng nhau cất cánh” để giao lưu học hỏi: https://www.facebook.com/groups/duhocsinhonboard

    Chia sẻ