6 điều khiến du học sinh “sốc” khi mới đến Mỹ

Cuộc sống Mỹ

6 điều khiến du học sinh “sốc” khi mới đến Mỹ

Dù mình đã xem “Mean Girls”, “High School Musical” và vô số bộ phim học đường Mỹ, đã mường tượng rất nhiều về cuộc sống ở đất nước này, nhưng khi thực sự đặt chân đến đây để học tập mình vẫn thấy choáng ngợp vì đời không như là phim. Trong những tuần đầu ở Mỹ mình đã phải đi tìm siêu thị đồ Châu Á để lấp đầy nỗi nhớ cơm nhà, vì đồ ăn bình dân ở Mỹ quá công nghiệp. Mình cũng từng sốc khi biết nhân viên phục vụ sẽ ngầm đánh giá bạn qua số tiền boa họ nhận được. Dưới đây là 6 trải nghiệm cá nhân đã khiến mình thực sự “sốc” khi tiếp xúc với cuộc sống ở đất nước này. Cùng check xem chúng ta có những cú sốc nào giống nhau nhé!

1. Ai cũng vô cùng tự tin

Sinh viên Mỹ rất tự tin và có khả năng giao tiếp xuất sắc. Họ không chỉ tự tin khi phát biểu trên lớp mà còn sẵn sàng đối chất trực tiếp với giáo sư trong giờ học. Họ mạnh dạn hỏi khi không hiểu và ít khi giữ câu hỏi cho riêng mình hay sợ sai. Sinh viên châu Á mới sang Mỹ học thường bị mang tiếng “ít nói” và “hướng nội” nhiều. Ở trường, 10%-20% điểm các môn học dành cho participation – tức là tham gia phát biểu, đặt và trả lời câu hỏi trên lớp. Nếu không tham gia phát biểu và thảo luận, bạn sẽ không có phần điểm này.

Mình còn nhớ hồi mới sang, môn đầu tiên mình học là “Global Finance and Accounting”. Mình gần như phải đọc ít nhất 2-3 Harvard case study cho môn này, mỗi case dài 15-20 trang A4, và thầy giáo rất thích “cold-calling” trong lớp để hỏi mọi người về nội dung case study và phân tích case. Điểm participation cho môn này tận 25%. Mỗi lần học môn này, mình đều rất lo lắng vì lượng kiến thức nhiều và việc mở mồm ra để phát biểu rất khó khăn. Trước giờ học, mình phải đọc case và chuẩn bị rất nhiều để có thể phát biểu trên lớp. Thế nhưng, các bạn Mỹ chỉ cần đọc case trong 1-2 tiếng là lên lớp nói ầm ầm. Mình tự nhận thấy bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp, và nhận ra rằng khi mình có sự tự tin và tin tưởng vào những điều mình nói, mọi người đều sẽ lắng nghe.

Ở Mỹ, điểm “hăng hái phát biểu” (Participation) chiếm một phần lớn kết quả môn học nên mọi người đều rất tích cực phát biểu trong lớp

2. Ai cũng thân thiện

Một trong những điều đầu tiên mình nhận ra khi đến Mỹ là sự thân thiện của mọi người. Thật bất ngờ khi thấy người lạ mặt trên đường lại có thể dễ dàng mỉm cười hay chào hỏi bạn bằng một lời chúc tốt lành. Có thể văn hóa Mỹ coi trọng sự lịch sự, nụ cười thân thiện và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ đã tạo nên điều đó. Dù cho nhiều du khách cũng khen ngợi người Việt mến khách, thì khi bạn sống lâu ở Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ không hoàn toàn màu hồng như bạn tưởng. Mỗi nơi đều có những con người khác nhau, nhưng mình may mắn gặp được những người Mỹ vô cùng đáng yêu, tốt bụng và thân thiện trong suốt một năm sống ở đây.

Mình còn nhớ rõ lần đầu tiên bay qua Mỹ, khi transit ở Nhật, chuyến bay tiếp theo đã bị hủy. Trong lúc chờ tại phòng chờ sân bay và được hãng hàng không sắp xếp khách sạn, mình gặp một anh bạn người Mỹ đến từ Chicago. Lần đầu đến Mỹ nên mình rất tò mò về cuộc sống nơi đây và đã hỏi anh rất nhiều điều. Ngay cả sau đó, trong các thủ tục sân bay hay khi gặp vấn đề, anh đều chủ động hỗ trợ mình. Điều này đã khiến mình có một ấn tượng tốt về người Mỹ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Sự giúp đỡ và cởi mở của anh đã tạo ra một khởi đầu tuyệt vời cho hành trình của mình tại Mỹ, và mình luôn nhớ về nó với một nụ cười.

3. Sự đa dạng trong văn hóa

Mỹ là một quốc gia đa dạng về văn hóa. Tùy từng bang ở Mỹ, bạn sẽ gặp nhiều hay ít người nhập cư. Mình đến từ Arizona, trước từng là một phần của Mexico, nên dân nhập cư ở đây rất nhiều. Khi tới Mỹ, bạn sẽ gặp gỡ những người đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau như Mexico, Nam Phi, các nước châu Phi, châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, vv.). Chính vì dân nhập cư nhiều nên đồ ăn ở đây cũng rất phong phú, tôn giáo đa dạng. Được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau tại cùng một nơi ở là điều vô cùng thú vị đối với mình. Điều này không chỉ mở rộng tầm nhìn của mình mà còn giúp mình học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ về thế giới.

Sự đa dạng là một phần nét văn hóa đặc trưng của Mỹ. Bạn có thể bắt gặp “cả thế giới” ở trong khuôn viên trường!

4. Rào cản ngôn ngữ

Ban đầu, mình cảm thấy rất khó nghe và hiểu người địa phương nói chuyện do sự khác biệt về ngôn ngữ và giọng điệu. Họ thường nói nhanh và sử dụng từ ngữ khác với những gì mình học tiếng Anh ở Việt Nam và mình vẫn cần thời gian để thích ứng với cách dùng từ của người bản địa Mỹ mặc dù nói tiếng anh nhiều năm. Ví dụ, lúc mới sang, mình thường hỏi “toilet” thay vì “restroom”, khiến mọi người khó hiểu mình đang nói gì. Một lần xấu hổ nhất là khi mua đồ ăn nhanh, mình phát âm nhầm từ “Coke” thành “Cock” (từ lóng của Mỹ), làm mọi người rất sốc và buồn cười. Một lần nữa, khi đi order đồ uống, mình đã nói từ “I love horny (hon-ni)” thay vì “I love honey (hăn-ni)” khiến bạn nhân viên người Mỹ đơ mặt và rất choáng, còn lũ bạn mình cười như điên. Mình thì thấy vô cùng xấu hổ. Tuy nhiên, sau nhiều lần trò chuyện, mình dần dần cải thiện khi luyện tập và quen với cách họ nói.

5. Nhớ đồ ăn Việt Nam

Mình thực sự rất nhớ hương vị của những món ăn Việt Nam. Mặc dù ở Mỹ có nhiều nhà hàng Việt, nhưng không gì có thể thay thế được cảm giác ăn món ăn quê hương do mẹ nấu. Phở là món rất nổi tiếng và được các bạn quốc tế biết đến nhiều, tiếp theo là gỏi cuốn. Giá một tô phở dao động từ $12 đến $15. Những món khác như bánh xèo, nem lụi, bún bò Huế, và bánh canh cua cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, đồ ăn mẹ nấu thì khó tìm.

Mình đến từ Hà Nội nên rất thích khẩu vị Bắc. Thi thoảng, mình lại nhớ những món như cá kho tương, ngải cứu hầm trứng vịt lộn, hay đơn giản chỉ là cà pháo muối ăn với canh cua đồng. Những hương vị tưởng chừng đơn giản nhưng lại phải chờ rất lâu khi trở lại Việt Nam mới có thể thưởng thức.

Canh cua đồng, cà pháo, thịt rang cháy cạnh,… những món ăn bình dân khi còn ở Việt Nam thì khi sang Mỹ lại là “sơn hào hải vị” với du học sinh

6. Văn hóa “boa” tiền (Tipping)

Ở Mỹ, việc tips khi sử dụng dịch vụ là một phần không thể thiếu. Bạn cần tip mỗi khi sử dụng dịch vụ như nhà hàng, cắt tóc, nail, order đồ uống, taxi.. Đặc biệt, nhiều nhà hàng nếu đi từ 6 người trở lên thì phục vụ có thể tự quyết định số tiền tip họ muốn cho bàn đó. Số tiền tip thường dao động từ 10% – 20% cho tổng hóa đơn. Đây là một nét đặc trưng văn hóa Mỹ và bạn không thể không tip khi sử dụng dịch vụ, vì nhiều người Mỹ sẽ đánh giá bạn thông qua số tiền bạn tip trên hóa đơn. Ngoài ra, đây cũng là một sự khác biệt về văn hóa bởi nhân viên phục vụ ở đây thường sẽ sống dựa trên số tiền tip nhận được, và sẽ không được trả lương cơ bản, hoặc lương cơ bản của họ rất thấp ($5-$10/giờ) tùy theo bang.

Nhiều người Mỹ sẽ đánh giá bạn thông qua số tiền bạn tip trên hóa đơn

Kết Luận

Những điều kể trên chỉ là một phần nhỏ trong những trải nghiệm thú vị và đôi khi khá “shock” mà mình đã trải qua khi sống ở Mỹ. Dù có những khó khăn ban đầu, nhưng mình đã dần dần thích nghi và cảm thấy yêu thích cuộc sống mới này.

Hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho các bạn một góc nhìn thú vị và bổ ích về cuộc sống ở Mỹ qua lăng kính của một người mới đến. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc!

Chia sẻ