Vì sao networking là kỹ năng mà mọi du học sinh cần?
Con người luôn có nhu cầu kết nối xã hội, nhu cầu thuộc về một cộng đồng nào đó. Đối với du học sinh, những người lựa chọn dấn thân đến một đất nước xa lạ, hoàn toàn khác biệt với văn hóa nơi mình sinh ra, các bạn càng cần học cách kết nối để thích nghi với cuộc sống mới, để xây dựng vùng an toàn cho mình. Trong bài viết này, Onboard sẽ cùng bạn:
- Tìm hiểu networking
- Phân tích tầm quan trọng của networking với du học sinh
- Tìm hiểu cách networking hiệu quả
1. Networking là gì?
Networking có thể hiểu đơn giản là kết bạn và mở rộng các mối quan hệ ngoại giao. Nhiều người thường nói rằng networking là cần thiết để tìm kiếm những mối quan hệ tốt, lâu dài và có lợi cho bản thân. Tuy nhiên, ít ai chỉ dẫn cụ thể cách tìm kiếm những mối quan hệ đó và cách duy trì chúng hiệu quả. Đối với những người giỏi và có kinh nghiệm trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ, đặc biệt là những người giữ vị trí cao trong các công ty lớn, họ luôn có sự nhạy bén và tinh tế.
Nếu bạn chỉ tiếp cận họ với mục đích kết bạn để nhờ vả, chắc chắn họ sẽ lịch sự mỉm cười nhưng sau đó sẽ tìm cách tránh xa bạn.
Vậy làm thế nào để tiếp cận, trò chuyện và networking một cách tự nhiên như những người bạn lâu năm?
Thứ nhất, networking chính là việc chia sẻ giá trị và thông tin, từ đó tạo dựng sự kết nối và mối quan hệ bền vững. Khi bạn gặp gỡ và làm quen với ai đó, hãy đảm bảo rằng cả bạn và đối phương đều nhận được giá trị từ cuộc trò chuyện này. Giá trị ấy có thể là năng lượng tích cực, niềm vui, sự tinh tế, thông tin hữu ích, hay đơn giản là cảm giác thư giãn cùng nhau khi tận hưởng một ngày đẹp trời hoặc ly rượu ngon trên tay. Hãy chú ý đến cảm xúc và mối quan tâm của người đối diện, và đừng ngần ngại khởi đầu bằng những câu hỏi về họ, bởi ai cũng thích nói về bản thân mình. Sau đó, hãy khéo léo thể hiện giá trị của bản thân. Tin rằng, nếu làm như vậy, mọi người sẽ thích thú và mong muốn được kết nối với bạn.
Thứ hai, networking là thể hiện sự quan tâm chân thành đến đối phương chứ không chỉ là tiếp cận vì lợi ích cá nhân. Khi mang mindset “business is always human”, tức là xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau để cùng “do business”, việc network của bạn sẽ trở nên khô khan và mang tính tư lợi nếu bạn chỉ tập trung vào khía cạnh công việc mà bỏ qua việc hiểu tâm lý hoặc “vibe” của cuộc trò chuyện. Cách tiếp cận của người phương Tây đã thay đổi tư duy này; họ thường bắt đầu bằng việc thể hiện sự quan tâm chân thành đến bạn, khen ngợi và chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt. Điều này khiến bạn cảm thấy được quan tâm, chú ý và có thể cảm thấy dễ dàng kết nối hơn vì bạn nghĩ rằng họ có cùng “vibe” với mình.
Tóm lại, khi kết nối với người khác, đừng chỉ tập trung vào những lợi ích mà bạn có thể nhận được, mà hãy chia sẻ và chú ý đến tâm lý của đối phương. Hãy thay đổi suy nghĩ để biến cuộc trò chuyện thành một cơ hội kết bạn chân thành, hài hước. Làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và chất lượng của những mối quan hệ bạn xây dựng sẽ được nâng cao đáng kể.

2.Tại sao networking lại quan trọng với du học sinh?
Networking là chìa khóa giúp bạn xây dựng một thế giới riêng khi sống ở một đất nước mới. Việc kết nối với những người từ các ngành nghề, quốc tịch và văn hóa khác nhau mở ra cơ hội để bạn mở rộng tầm nhìn và làm phong phú thêm cuộc sống của mình.

Khi sống ở nước ngoài, bạn sẽ mang theo nhiều nỗi sợ không tên: sợ cô đơn, sợ thất nghiệp, hay sợ thất bại trong hành trình theo đuổi giấc mơ Mỹ – giấc mơ đã khiến bạn đánh đổi rất nhiều công sức và tiền bạc. Việc tìm được một cộng đồng networking chất lượng không chỉ giúp bạn nhận được sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần mà còn là cách để bạn phát triển bản thân mỗi ngày. Bạn sẽ mở rộng tư duy và học hỏi từ những người giỏi hơn đến từ các nền văn hóa khác nhau. Khi cảm thấy cô đơn, việc có những người bạn chia sẻ năng lượng tích cực có thể giúp bạn lấy lại tinh thần và tiếp tục tiến bước. Và khi gặp khó khăn, có một người bạn sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí chỉ là đưa bạn đi chơi, cũng đủ để bạn không cảm thấy lạc lõng.
Ở bất kỳ đất nước nào, việc xây dựng một cộng đồng chất lượng tại nơi đó là vô cùng quan trọng, vì đó chính là cách để bạn trưởng thành hơn mỗi ngày.
Thế giới này rộng lớn, có rất nhiều điều “bạn không biết rằng mình không biết”. Vì vậy, học hỏi từ những người xung quanh, những người giỏi hơn mình, chính là cách nhanh nhất và tiết kiệm thời gian nhất để phát triển bản thân.
Đó là về mặt xã hội, còn chuyện công việc thì sao? Mỹ là một trong những nước phát triển hàng đầu với nhiều công việc xịn, lương cao, và môi trường làm việc thoải mái. Nhưng vì có quá nhiều người giỏi, tỷ lệ cạnh tranh khi xin việc cực kỳ cao, nhất là ở những công ty lớn như Google, Apple, Microsoft, v.v. Một trong những cách nhanh nhất để nhận được lời mời phỏng vấn cho công việc mơ ước là referral qua network với nhân viên của công ty đó.
Cá nhân mình thấy công ty ở Mỹ thích tuyển dụng qua referral vì họ có nhiều sự tin tưởng đối với nhân viên, lại tiết kiệm thời gian, và họ tin nhân viên được “giới thiệu” sẽ nhanh thích ứng với văn hóa. Hơn nữa, nguồn việc tuyển dụng ở Mỹ thì nhiều, nhưng nguồn việc “chất lượng” vẫn đang “active recruiting” thì không hề dễ tìm. Chính vì vậy, việc có nhiều network chất lượng sẽ là cách để bạn biết thêm nhiều nguồn thông tin việc làm tuyển dụng chất lượng và thậm chí nhận được những referral xịn từ nhân sự ở những công ty mơ ước. Hơn nữa, kể cả khi bạn đã có công việc tốt, “network” tốt cũng sẽ giúp bạn hòa nhập với văn hóa công ty tốt hơn, xây dựng tốt với đồng nghiệp, đối tác và sếp cũng sẽ giúp công việc của bạn tốt hơn.
3. Làm thế nào để bắt đầu networking?
Đặt chất lượng trên số lượng
Bạn không thể đi ngủ như một người hướng nội và thức dậy như một người hướng ngoại, không nên bắt bản thân khi ở nhà và ở ngoài xã hội là hai con người hoàn toàn khác!
Điều đầu tiên các bạn cần làm có lẽ là các bạn cần yêu bản thân mình và hiểu rõ được bản thân các bạn mong muốn điều gì, hiểu được giá trị bản thân, đam mê mà bạn đang theo đuổi. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt ấy, bạn có thể tự tìm được những người có cùng tần số với mình.Đừng cố gắng trở thành một người khác, cố gắng ép bản thân phải bắt chuyện với nhiều người nhất có thể vì mình tin bạn sẽ không bao giờ thoải mái khi làm vậy.
Tiếp nữa, hay luôn đối xử tốt với bản thân bạn “Be kind to yourself” và đối xử tốt với tất cả mọi người xung quanh bạn “Be kind to others”. Đó chính là một trong những tiền đề để bạn bắt đầu xây dựng kiến thức và kĩ năng để đi networking.

Think outside the box – Nghĩ khác đi, cho đi nhiều hơn
Ngay cả khi bạn không thể trực tiếp giúp đỡ ai đó, bạn vẫn có thể kết nối họ với người khác có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ. Sự sẵn lòng hỗ trợ và kết nối này chính là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ bền chặt và có ý nghĩa.
Khi nghĩ về networking, hãy sáng tạo và vượt ra ngoài khuôn khổ của các buổi cocktail công ty. Mọi cuộc tụ họp đều có thể là cơ hội kết nối nếu bạn biết tận dụng. Làm quen với người mới là một phần tự nhiên của cuộc sống, vì vậy kết nối không chỉ giới hạn trong các sự kiện chính thức mà có thể diễn ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Việc nuôi dưỡng các mối quan hệ mới từ mạng lưới của bạn là vô cùng quan trọng. Giống như một cuộc phỏng vấn, theo dõi và duy trì liên hệ với các kết nối mới là cần thiết. Bạn có thể bắt đầu bằng cách gửi yêu cầu kết nối trên LinkedIn kèm theo một tin nhắn cá nhân hóa, hoặc gắn thẻ họ vào các bài viết mà họ quan tâm. Những lời nhắc nhở đơn giản như “Thật tuyệt khi được gặp bạn tại sự kiện X” sẽ giúp người liên hệ mới nhớ đến bạn và củng cố mối quan hệ của hai bên.
Cuối cùng thì, các bạn đã có mường tượng rõ hơn về network của mình chưa ? Nếu như các bạn đang gặp khó khăn gì, muốn chia sẻ hay đưa ra lời khuyên, hãy comment dưới bài viết này để đội ngũ Onboard bên mình cùng hỗ trợ nhé.
Chúc các bạn sơm xây dựng cho mình được một network chất lượng tại ngôi trường mới!