Du học cử nhân ở Mỹ: Có nên tìm internship từ năm nhất?

Công việc Học tập

Du học cử nhân ở Mỹ: Có nên tìm internship từ năm nhất?

Một khi bạn đã xác định ở lại Mỹ làm việc thì việc xây dựng resume uy tín là bắt buộc. Thị trường Mỹ cạnh tranh rất khốc liệt, bạn không thể tìm việc làm đúng ngành học/lương cao nếu resume của bạn chỉ có kinh nghiệm làm thêm part-time. Trong bài viết này, Onboard sẽ chia sẻ về:

  • Lợi ích của internship
  • Xác định lộ trình tìm internship
  • Điều kiện apply internship đối với du học sinh
  • Cách để có được internship tại Mỹ và phương án nếu không có internship tại Mỹ

1. Lợi ích của việc thực tập tại Mỹ

    Thực tập là những chương trình kéo dài khoảng 3 – 4 tháng ở các công ty, cần điều kiện visa với du học sinh và sự chấp thuận từ trường. Khi thực tập thì các sinh viên sẽ làm việc như nhân viên part-time và công việc này phải liên quan đến ngành bạn đang theo học.

    Lợi ích đầu tiên của internship là tăng uy tín cho resume của bạn, từ đó giúp bạn tìm việc full-time dễ dàng hơn. “Trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ có đi làm thì mới biết ngành học của mình có những việc gì và biết “chinh chiến” thực tế trong môi trường doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng nào cũng sẽ ưu tiên ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế hơn là những ứng viên chỉ có thành tích học thuật.

    Thứ hai là internship mang lại những mối quan hệ chất lượng cho bạn. Từ khi làm hồ sơ thực tập, bạn đã phải hỏi han các giáo sư, anh chị khóa trên, bạn bè, người quen,… để tìm được những “mối” tốt và xin referral từ họ. Khi ở nơi thực tập, bạn cũng có cơ hội làm quen và học hỏi từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm – những điều sẽ giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của bạn.

    Tiếp theo là internship giúp bạn chuẩn bị tư tưởng tốt hơn, biết rằng mình cần phải cố gắng thêm ở đâu để có thể chinh phục lĩnh vực này.

    Cuối cùng là những lợi ích tài chính. Internship có thể được trả lương, nhận trợ cấp. Khi tìm việc làm chính thức thì những người có kinh nghiệm internship cũng được cân nhắc hơn và có mức lương cao hơn. Theo National Association of Colleges and Employers (NACE), các sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm thực tập sẽ có mức lương cao hơn 20% so với những sinh viên không tham gia thực tập.

    2. Xác định lộ trình tìm internship

      Với những bạn đã xác định được ngành muốn theo đuổi thì lý tưởng nhất là cố gắng có internship ngay từ hè năm nhất. Hãy luôn xác định cần phải có kinh nghiệm thực tế, va chạm với công việc thật càng sớm càng tốt.

      Lộ trình kinh nghiệm lý tưởng nên là:

      Hè năm 1: Internship

      Hè năm 2: Internship

      Hè năm 3: Internship

      Hè năm 4 – Ra trường: Full-time job

      Nếu theo đúng timeline này thì đến khi chuẩn bị tốt nghiệp là bạn đã có ít nhất 2-3 internship – một lợi thế lớn trong resume của bạn.

      3. Điều kiện để du học sinh apply internship

        Sinh viên Visa F-1: Visa này cho phép du học sinh đăng ký thực tập với sự chấp thuận từ trường đại học bạn theo học. Có 2 chương trình thực tập cho du học sinh visa F-1 là: Thực tập bắt buộc – Curricular Pratical Training (CPT) và Thực tập không bắt buộc – Optional Practical Traning (OPT).

        Curricular Pratical Training (CPT)

        Đây được coi là một tín chỉ của chương trình học và sinh viên phải đóng học phí.

        Sinh viên sẽ có cơ hội được làm việc tại các công ty của nhà tuyển dụng do nhà trường liên kết (thực tập có lương hoặc không lương). Sau kì thực tập, sinh viên phải nộp báo cáo thực tập có xác nhận từ phía doanh nghiệp. Sinh viên đăng kí CPT chỉ được làm việc dưới 12 tháng, phải hoàn tất trước khi tốt nghiệp. Công việc có thể là việc làm part-time (20 giờ/tuần) hoặc toàn thời gian trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên chú ý rằng nếu bạn làm việc toàn thời gian 12 tháng hoặc hơn cho CPT, bạn sẽ mất điều kiện xin OPT. Với chương trình CPT, sinh viên không cần đăng ký EAD (Employment Authorization Document)

        Optional Practical Traning (OPT)

        Chương trình OPT cho phép sinh viên làm việc ngoài trường để lấy kinh nghiệm thực hành liên quan đến ngành học của mình cả trong và sau khi hoàn thành khóa học. Sinh viên được chọn nơi làm việc mà mình mong muốn và được hưởng lương nếu tìm được công việc có chi trả lương. Có 2 loại OPT là trước tốt nghiệp và sau tốt nghiệp.

        Bạn chỉ có thể xin làm OPT sau khi đã nhập học được 09 tháng và phải đăng ký và nộp lệ phí cho Cục Di trú và Quốc tịch Mỹ (USCIS) để được sự chấp thuận. Sau khi kết thúc năm học đầu tiên và USCIS cấp chứng chỉ việc làm EAD qua mail thì bạn được phép làm việc.

        Sinh viên Visa J-1: thường là những sinh viên được ghi danh vào chương trình trao đổi để làm việc hoặc học tập được phê duyệt bởi Cục Văn hóa và Giáo dục của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Visa J-1 sẽ không thể đăng ký OPT, sinh viên có thể đăng ký chương trình Academic Trainning trong lĩnh vực liên quan đến chương trình học trong tối đa 18 tháng sau khi tốt nghiệp.

        4. Cách tìm internship ở Mỹ

          Từ nhà trường

          Nơi đầu tiên để tìm kiếm một công việc thực tập tốt chính là văn Phòng Dịch vụ Sinh viên Quốc tế (International Students and Scholars Office) hoặc Trung tâm Nghề nghiệp (Career Center) tại trường. Mỗi trường đại học đều liên kết với rất nhiều doanh nghiệp và có những cơ hội internship đang mở dành cho sinh viên.

          Các website tìm việc

          1. LinkedIn/Glassdoor/Indeed Job Board/Internships.com. Đặc biệt tại LinkedIn bạn có thể dùng chức năng tìm các cựu sinh viên (alumni) của trường bạn và đang làm việc tại công ty bạn định xin internship để xin referral hoặc tips.
          2. Mục “Career” tại website công ty.
          3. Wellfound: website mà các startup giai đoạn đầu thường hay đăng tuyển vị trí intern/new grad
          4. Simplify: đây là website đã web scraping từ jobs.lever.co cho nhiều vị trí từ Product Manager, Software tại Big Tech, Unicorn, YC Companies, etc.

          5. Phải làm gì nếu như không tìm được internship?

            Onboard hiểu rằng đối với du học sinh ngay cả việc tìm được internship cũng là cả một vấn đề chưa nói gì đến full-time job. Vậy du học sinh nên làm thế nào nếu không tìm được internship tại Mỹ?

            Câu trả lời là bạn hãy cứ về Việt Nam trong kỳ nghỉ hè (nếu có thể) và thực tập, hoặc tìm các công việc remote của các công ty Việt Nam cũng là cách để có thêm kinh nghiệm. Các công ty ở Việt Nam hay các công ty do các anh chị người Việt điều hành tại Mỹ cũng có rất nhiều công ty tốt để các bạn thử sức và bỏ thêm vào resume của mình những kinh nghiệm quý giá.

            Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tìm internship sớm khi du học Mỹ và từng bước xác định lộ trình tìm internship để hoàn thiện danh sách kinh nghiệm làm việc của mình.

            Chúc các bạn tìm được những internship chất lượng! Hãy chia sẻ cùng Onboard về hành trình thực tập tại Mỹ của bạn nhé!

            ——————
            ✈Onboard – Vì một hành trình du học thành công!
            👥Group “Du học sinh cùng nhau cất cánh”: https://www.facebook.com/groups/duhocsinhonboard

            📈Job-Ready Program – chương trình giúp bạn nâng cấp hồ sơ apply và trở thành ứng viên nổi trội trên thị trường Mỹ!
            👉Tìm hiểu ngay về Job-Ready Program tại đây:https://onboard.vn/job-ready-program/

            Chia sẻ