Kết nối ra sao nếu trường không có Hội du học sinh người Việt?

Cuộc sống Mỹ Khác

Kết nối ra sao nếu trường không có Hội du học sinh người Việt?

Với du học sinh ở một đất nước xa lạ thì còn gì tốt hơn là có những người bạn đồng hương để cùng nhau nói tiếng mẹ đẻ, cùng nấu đồ ăn Việt và giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Kết nối với Hội du học sinh Việt Nam tại trường là một trong 6 việc du học sinh phải làm trong 2 tuần đầu đến Mỹ. Nhưng mình biết không phải trường nào cũng có nhiều du học sinh Việt hay có Hội du học sinh Việt hoạt động từ trước.

Vậy chúng ta phải làm thế nào để “phát hiện” sinh viên Việt Nam ở trường mình và tập hợp nhau thành một hội nhóm để cùng sinh hoạt và chia sẻ cuộc sống? Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm kết nối du học sinh Việt qua:

  • LinkedIn
  • Orientation
  • Event của trường
  • Mạng xã hội
  • Tự thành lập Hội sinh viên

1. LinkedIn – Vừa tạo profile công việc vừa tìm bạn học

Ở Mỹ, mọi người dùng LinkedIn siêu phổ biến, hầu như ai cũng có LinkedIn. LinkedIn có nhiều tính năng rất hay để networking, một trong số đó là tìm kiếm cựu sinh viên (alumni) và sinh viên của trường mình. Khi bạn tìm tên trường mình, kết quả sẽ cho bạn cả thông tin về những người đã và đang theo học tại đây. Sau đó mình tiếp tục lọc ra người Việt bằng nhìn vào… tên của họ! Sẽ có đầy những Nguyen, những Tran, những Pham gì đó đang đợi bạn kết nối thôi!

Nhấn vào “See alumni” LinkedIn sẽ cho ra cả một danh sách sinh viên và cựu sinh viên của trường bạn! Cũng thú vị không kém gì các mạng xã hội như Facebook, Instagram ha. (Nguồn ảnh: LinkedIn)
Thấy ai là người Việt thì hãy cứ thoải mái nhắn tin để kết nối với các anh chị nhé! Mọi người rất welcome giúp đỡ. (Nguồn ảnh: My Nguyen)

2. Orientation – tìm bạn chỉ trong 1 tuần

Orientation, hay thường được gọi là O-week (tuần lễ định hướng) là chuỗi hoạt động “phá băng” Icebreaker Activities trước khai giảng, để giới thiệu các thông tin quan trọng về chương trình học, các nguồn hỗ trợ, quy định và chính sách của trường cho sinh viên mới và sinh viên quốc tế. Đây cũng là dịp để sinh viên gặp gỡ, kết bạn và tìm hiểu về môi trường học tập và văn hóa mới. Hoạt động này giống như ngày Chào tân sinh viên ở các trường đại học của Việt Nam, chỉ khác là sẽ kéo dài cả tuần để sinh viên có thời gian làm quen với mọi thứ.

Trong tuần lễ Orientation, cả khuôn viên trường được hô biến thành một hội trại khổng lồ, cờ hoa banner ở khắp nơi, các khoa (faculty) trình diễn các màn biểu diễn chào tân sinh viên, các câu lạc bộ và hội sinh viên cũng bắt đầu chiêu sinh rôm rả.

Nhân lúc chưa vướng bài vở, mình sẽ tận dụng tham gia các hoạt động trong Orientation. Chúng mình nên đăng ký các chương trình cho du học sinh (International students) để được hướng dẫn chi tiết nhất và dễ tìm hiểu thông tin về sinh viên Việt.

Sau đó mình có thể lân la làm quen bạn mới, hỏi mọi người có biết sinh viên Việt Nam nào không. Khi mình nói họ tên và “I’m from Vietnam” thì khả năng cao là họ sẽ giới thiệu cho mình một “Nguyen”, “Tran”, “Pham” nào đó. Cứ từ một người biết được một vài người thì sau một tuần bạn đã có thể có cả một danh sách hội đồng hương rồi.

Tuần lễ Chào tân sinh viên là dịp để chúng mình vui chơi kết bạn trước khi bị bài vở “nhấn chìm” (Nguồn ảnh: American University)

3. Tham gia event của trường

Ngay khi đặt chân đến nước Mỹ trong những ngày đầu là mình chỉ cắp sách đi đến hết sự kiện này sự kiện kia. Các sự kiện của trường là những dịp có đông đảo sinh viên tham gia và từ đó mình có thể “nhận mặt” người quen. Sự kiện có thể là những hội thảo học tập hoặc sự kiện giao lưu như club, tiệc ngoài trời, orientation, party, vv.

Trải nghiệm của mình là nhìn xem ai có vẻ là người Việt thì mình ra bắt chuyện. Chắc vì bonding giữa những người Việt với nhau mà linh cảm của mình 100% chính xác.

Trong một lần tham gia Silent disco, thấy một bạn khá là “Việt Nam” mình đã ra chủ động hỏi “Hey, are you Vietnamese by any chance?” và trúng phóc luôn chứ! Quá chuẩn bài khi tìm người Việt 😀 (Nguồn ảnh: The Atlantic)

4. Kết nối qua mạng xã hội

Bây giờ trường đại học nào cũng có group học tập hoặc tìm nhà ở, tìm roommate cho sinh viên trên Facebook. Ví dụ như khi tìm các nhóm của trường mình University of Texas at Dallas (UTD) thì sẽ có một vài nhóm có hơn 10.000 thành viên tham gia. Mình sẽ tìm những người có họ (last name) tiếng Việt để kết nối. Bạn cũng có thể chủ động đăng bài giới thiệu bản thân và tìm kiếm sinh viên Việt để “nhập hội”.

Nhóm tìm kiếm khác mà mình thấy hiệu quả là WhatsApp group/Discord group. Từ quá trình chuẩn bị bay là các bạn đã nên bắt đầu tìm kiếm các anh chị khóa trên hoặc những ngôi trường gần đó và nhờ họ kết nối mình vào các nhóm sinh viên Việt.

Một cách khác nữa là search trên Facebook: “Người Việt tại [Tên thành phố bạn ở]” cũng sẽ là một nguồn cực kỳ hữu ích để bạn tìm thấy những người đồng hương.

Một cách khác nữa là search trên Facebook: “Người Việt tại [Tên thành phố bạn ở]” cũng sẽ là một nguồn cực kỳ hữu ích để bạn tìm thấy những người đồng hương.

5. Tự thành lập Hội sinh viên Việt – Tại sao không?

Nếu như với 4 cách trên, chúng ta chỉ kết nối với sinh viên Việt theo dạng hoạt động tự do và hỗ trợ nhau khi cần, thì việc tự thành lập Hội du học sinh Việt tại trường nghĩa là cam kết hoạt động nghiêm túc và hướng đến những mục tiêu lớn hơn.

Mình luôn có suy nghĩ rằng cái gì chưa có thì… mình tạo ra. Hãy là người khởi xướng! Đã là du học sinh rồi mà, muốn có gì thì nhấc mông lên và làm thôi. Với Hội sinh viên cũng vậy. Mình biết rằng có những nơi du học sinh người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng thay vì chờ đợi ai đó đứng ra tập hợp mọi người lại thì sao mình không thử tạo ra chính Hội của mình? Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em sinh viên lứa sau nữa.

Để tự thành lập Hội sinh viên, bạn sẽ phải làm một số việc sau:

  • Kết nối và tập hợp một nhóm sinh viên trụ cột
  • Đăng ký với Văn phòng Quản lý Sinh viên của trường để đảm bảo Hội sẽ tuân thủ các quy tắc; đồng thời cũng nhờ sự giúp đỡ của Ban quản lý trong việc kêu gọi thành viên.
  • Xây dựng tôn chỉ hoạt động, nội quy, phân công chức vụ, cách thức liên hệ.
  • Truyền thông về Hội qua network của từng thành viên trụ cột cũng như xây dựng các trang mạng xã hội để dễ dàng tiếp cận đông người.
Hội “xuất khẩu lao động” của trường mình vẫn luôn reach out với mọi người qua các mạng xã hội như vậy!

Khi sang Mỹ học tập một thời gian, bạn sẽ nhận ra một vài người bạn thân ở Việt Nam dần xa cách vì “xa mặt cách lòng”, còn những người bạn nước ngoài tuy ở gần nhưng lại quá khác biệt về văn hoá để cùng tìm chỗ đi ăn… bún đậu. Lúc này, chỉ có những người bạn du học sinh Việt mới là người vừa ở gần bạn để giúp đỡ, chia sẻ, vừa đồng cảm với những khó khăn trong chặng đường đang đi. Vì vậy hãy nhanh chóng kết nối với họ khi đến Mỹ nhé! Có thể họ cũng đang chờ được bạn tìm thấy đấy!

Trên đây là những chia sẻ của Onboard aka các du học sinh (và cả cựu du học sinh) về kinh nghiệm networking khi trường bạn không có du học sinh Việt. Chúng mình chúc bạn sớm kết nối được với những người bạn Việt của mình và có những hoạt động ý nghĩa cùng nhau trong suốt thời gian học tập!

Chia sẻ