Những benefit có sẵn trong trường học mà du học sinh cần tận dụng để chạm tới “giấc mơ Mỹ”
Là một du học sinh mới đến Mỹ, mình đã sớm nhận ra rằng việc tìm kiếm việc làm không hề đơn giản như mình tưởng. Mỹ đúng là “American Dream” với vô số cơ hội nghề nghiệp tốt và mức lương hấp dẫn, nhưng để chạm đến những cơ hội đó cần rất nhiều nỗ lực. Ban đầu, mình ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần đợi đến gần lúc tốt nghiệp mới cần lo chuyện tìm việc. Nhưng thực tế nhanh chóng chứng minh ngược lại khi mình phải đối mặt với những khái niệm hoàn toàn mới như “Networking”, “Resume”, thậm chí là “Internship”, “Full-time jobs” giúp có “OPT”, “CPT” để ở lại Mỹ như thế nào?
Mình từng cảm thấy choáng ngợp khi nhìn xung quanh, thấy các bạn cùng khóa đều rất giỏi và khả năng “networking” của họ vượt trội, khiến mình không khỏi tự ti khi tham gia các sự kiện tại trường. Tuy nhiên, nhờ vào những lợi ích và dịch vụ đặc biệt mà trường cung cấp, mình đã dần trở nên tự tin hơn và học cách tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm quý báu này để giúp các bạn cũng tự tin hơn và sẵn sàng chinh phục con đường sự nghiệp của mình.
1. Career services – cả một đội ngũ giúp bạn định hướng nghề nghiệp
Mới vào trường đã được định hướng nghề nghiệp ngay và có những session giúp review resume, interview skills và tìm việc!
Mình còn nhớ ngay khi vào học ASU, mình đã phải tham gia một khóa học tên là “Thunderbird PLD” để học cách xây dựng resume, kỹ năng networking, tìm job, và phỏng vấn. Ở Mỹ, template resume khá khác so với nhiều nước, tất cả kinh nghiệm phải gói gọn trong 1 trang A4. Vì vậy, mọi thông tin trên resume phải cực kỳ súc tích và nổi bật các “high income skills” để nhà tuyển dụng nhanh chóng thấy được điểm mạnh của bạn. Sau khi chỉnh sửa xong resume, sinh viên có thể dễ dàng book lịch gặp 1-1 với career coach của trường để review từng chi tiết và định hướng công việc. Career coach sẽ giúp bạn sửa từng điểm trong resume để highlight những skills phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của bạn.
Tại ASU, career services của trường có rất nhiều career coach, hay còn gọi là “người định hướng nghề nghiệp,” và sinh viên có thể dễ dàng đặt lịch gặp họ qua Handshake, Zoom, hoặc Email. Là một “tấm chiếu mới” bỡ ngỡ với môi trường học tập và văn hóa mới, mình nhận thấy dịch vụ này của trường thực sự hữu ích và cần thiết. Dù có nhiều career coach để lựa chọn, mình thường chỉ book meeting với một coach nhất định và chọn người có background nghề nghiệp phù hợp với định hướng của bản thân. Điều này giúp cho việc “communication” với họ trở nên nhất quán và mình không phải mất thời gian để làm quen lại từ đầu mỗi lần gặp gỡ.
Networking với career coach là một chiến lược cực kỳ hữu ích trong việc tìm kiếm việc làm ở Mỹ, vì họ thường có nhiều kinh nghiệm trong tuyển dụng cho các công ty lớn và có mạng lưới networking rất rộng tại Mỹ. Họ hiểu rõ nên tìm việc ở đâu cho hiệu quả nhất và cách giao tiếp với HR của các công ty lớn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Career coach của mình từng là senior recruiter cho Microsoft và T-Mobile, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng các vị trí liên quan tới “Tech industry” tại Mỹ. Mỗi buổi gặp gỡ với chị, từ việc review resume đến luyện tập kỹ năng interview, mình đều học hỏi được rất nhiều. Thường thì mình sẽ gặp chị hai tuần một lần để cập nhật resume, định hướng công việc, và xin lời khuyên về các kỹ năng cần trau dồi thêm.


Bên cạnh việc gặp career coach, ngay khi mới vào trường, mình đã đăng ký tham gia một buổi mock interview trực tiếp với các recruiter từ CMC, kéo dài khoảng 30 phút. Lần đầu phỏng vấn, mình thực sự rất run, hai tay không ngừng xoa vào nhau vì quá căng thẳng. Tuy nhiên, sau 30 phút mock interview, career coach đã cho mình rất nhiều feedbacks quý giá, không chỉ về cách trả lời câu hỏi mà còn về body language. Họ cũng chia sẻ một số tips để giúp mình thả lỏng trước khi vào interview, như là phải research kỹ càng về công ty và người phỏng vấn, và đảm bảo rằng những gì mình biết về bản thân và những gì mình đã viết trên resume đều chính xác và tự tin khi trình bày.

2. Nguồn việc làm vô tận
Các nguồn việc từ trường hay company recruitment tại trường sẽ là những nguồn job chất lượng nên nhớ đừng bỏ qua nhé
Khi mới đến Mỹ, mình đã bối rối với câu hỏi làm thế nào để tìm nguồn việc làm chất lượng giữa vô vàn cơ hội ở đây. Thực tế, nhiều du học sinh phải nộp đến 200-300 hồ sơ mới nhận được 1-2 cuộc phỏng vấn. Khác với kinh nghiệm học tập tại Việt Nam, các trường ở Mỹ không chỉ dạy mình cách xây dựng một bản resume ấn tượng, mà còn hướng dẫn kỹ lưỡng về cách tìm việc làm hiệu quả.
Tại trường, tất cả sinh viên mới đều được khuyến khích tạo tài khoản LinkedIn, bổ sung thông tin cơ bản và kỹ năng để xây dựng “personal branding”. Đây là bước đầu trong việc tìm kiếm việc làm và tạo dấu ấn cá nhân trên thị trường lao động. Ngoài LinkedIn, Handshake cũng là một công cụ phổ biến trong các trường đại học Mỹ, với nhiều sự kiện kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng và cơ hội việc làm chất lượng. Sinh viên có thể sử dụng Handshake để mở rộng mạng lưới quan hệ với alumni và tham gia các sự kiện tuyển dụng do trường tổ chức, từ các buổi tìm kiếm thực tập đến các sự kiện tập trung vào cơ hội làm việc full-time. Các dịch vụ và sự kiện này là những lợi ích quan trọng mà trường đại học cung cấp để hỗ trợ sinh viên trong hành trình tìm kiếm việc làm tại Mỹ.

Ngoài ra, các buổi recruitment với các công ty lớn cũng được tổ chức thường xuyên, và sinh viên có thể đăng ký gặp gỡ trực tuyến (virtual) hoặc trực tiếp (offline) tại trường. Mặc dù khi tham gia những session này, có thể sẽ rất khó để có được công việc ngay lập tức do sự cạnh tranh cao và nhiều sinh viên muốn nói chuyện với nhà tuyển dụng, nhưng bạn phải hiểu rằng việc tìm kiếm việc làm là một “long-term journey”.
Đừng vội vàng; thay vào đó, hãy kiên trì và chăm chỉ “networking, networking, networking”. Rồi sẽ đến một ngày may mắn sẽ mỉm cười với bạn!


Ngoài ra, rất nhiều sinh viên đã nhận được offer thực tập và full-time job nhờ apply qua các nguồn job từ trường. Những job này thường được thông báo vào thứ Hai hàng tuần qua email sinh viên, và vì đã được chọn lọc nên có độ “active recruiting” rất cao. Nếu bạn có một resume xịn và kinh nghiệm phù hợp, cơ hội nhận phản hồi từ nhà tuyển dụng là rất lớn. Mình nhớ có lần apply 2 jobs từ email của trường và nhận ngay 2 cuộc phỏng vấn chỉ trong 1 tuần. Nhiều bạn của mình cũng đã nhận internships từ các công ty lớn như Onsemi, Abbott, hay Infosys nhờ apply qua nguồn này nên bạn đừng bỏ qua nhé!

Trên các nền tảng như Handshake và LinkedIn, sinh viên không chỉ chủ động tìm kiếm việc làm mà còn thường xuyên được các recruiter chủ động tiếp cận và mời ứng tuyển cho các vị trí. Nếu bạn thấy công việc nào phù hợp và chất lượng, bạn có thể dễ dàng apply và follow-up trực tiếp với recruiter. Nhờ vào những công cụ này và sự hỗ trợ từ trường, cơ hội nhận được phỏng vấn của bạn sẽ cao hơn đáng kể.

3. Alumni – những cựu sinh viên giàu kinh nghiệm
Alumni Network là nguồn job chất lượng và “kho kỹ năng sống” không thể bỏ qua!
Trong buổi orientation day, trường mình có một session đặc biệt nơi các cựu sinh viên tiêu biểu từ khắp nơi trên thế giới quay về chia sẻ kinh nghiệm học tập ở trường và quá trình làm việc của họ. Với mạng lưới hơn 500,000 cựu sinh viên từ hơn 150 quốc gia, đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên mới trong trường mình được kết nối trực tiếp với alumni, đặt câu hỏi, và giải đáp những khúc mắc mà họ hay gặp phải. Qua những cuộc trò chuyện này, sinh viên không chỉ nhận được lời khuyên quý giá mà còn học hỏi được nhiều từ trải nghiệm thực tế của những người đi trước. Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, như “Làm sao để networking hiệu quả để tìm job?”, “Có nên tham gia câu lạc bộ trong trường không?”, hay “Cảm giác lần đầu nhận được job offer ở Mỹ thế nào?” đều có thể dẫn tới những câu chuyện đầy thú vị và thông tin hữu ích. Nhiều cựu sinh viên của trường còn là CEO của các công ty, tập đoàn lớn hoặc giữ những chức vụ cao trong công ty, nên networking với họ sẽ là cách bạn tìm hiểu văn hóa công ty trước, tiếp sau đấy sẽ là tìm “Referral” cho bản thân mình.

Mình còn nhớ cây chuyện của một alumni chia sẻ trong buổi Orientation day về câu chuyện nhận được job offer đến từ Apple. Chị chia sẻ rằng đúng là networking rất quan trọng để có cơ hội nhận được việc làm đầu tiên ở Mỹ nhưng networking không phải là tất cả, không thể chỉ dựa vào mỗi networking để tìm việc mà mình cũng cần phải biết cách “sell” bản thân với nhà tuyển dụng hay “show off” giá trị bản thân một cách khéo léo.
Như trường hợp của chị, vòng đầu phỏng vấn nhận được là do chị tự apply job qua website của công ty và không hề có được một Referral nào cả. Tuy nhiên, may mắn là khi vào tới vòng cuối, manager vị trí đó lại là cựu sinh viên đến từ trường của chị và hai người đã có cuộc trao đổi rất thoải mái. Có 2 ứng cử viên rất mạnh cho vị trí đó, nhưng nhờ việc tạo ấn tượng tốt hơn với manager từ sợi dây liên kết cùng học một trường, chị đã được được chọn để offer vị trí. Vì thế, các bạn có thể thấy có được job là sự cố gắng của rất nhiều yếu tố và mọi thứ đều cần được xây dựng lâu dài.

Cuối cùng thì, đến Mỹ du học không chỉ là chuyện học hành mà còn là chuyện khám phá và trải nghiệm hết mình. Hãy tận dụng mọi cơ hội mà trường mang đến, từ việc kết nối với career coach, tham gia các mock interview, đến xây dựng networking với alumni. Mỗi bước đi đều giúp bạn gần hơn với mục tiêu của mình.
Đừng sợ hãi, hãy dấn thân và chủ động, vì thành công không đến từ sự chờ đợi mà từ sự nỗ lực không ngừng. Tóm lại, “work hard, network smart,” nhưng cũng đừng quên tận hưởng hành trình khám phá bản thân đầy chông gai, thử thách và vô cùng thú vị!
Chúc các bạn gặp nhiều may mắn và thành công!