Tại sao networking là kỹ năng khó với sinh viên châu Á?
Người Mỹ không ngại nói “Long time no see, I miss you” (Tui nhớ bà quá) hay “You look so good today” (Hôm nay bà đẹp quá). Nhưng người châu Á lại rất ít khi khen nhau trực tiếp hoặc bày tỏ cảm xúc. Đó chỉ là một trong những khác biệt về tư duy khiến chúng mình gặp khó khăn khi networking. Tất nhiên thói quen bày tỏ cảm xúc gián tiếp của người châu Á không sai, nhưng nếu biết thích nghi với môi trường văn hóa quốc tế thì chúng ta sẽ dễ dàng hòa nhập hơn.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tại sao kỹ năng networking vẫn là kỹ năng khó đối với sinh viên châu Á khi đi du học và làm thế nào để bạn trở nên thoải mái hơn trong giao tiếp, dễ làm quen, network với mọi người khác trong cuộc sống du học.
1. Tại sao networking vẫn là kỹ năng khó với người châu Á?
Khác biệt văn hóa là điều đầu tiên khiến sinh viên châu Á khó hòa nhập ở Mỹ. Từ bé bạn đã luôn được cài đặt những phần mềm suy nghĩ theo nơi mình sống, mà bây giờ bạn lại phải chuyển sang một hệ điều hành khác thì đương nhiên sẽ có những chỗ “lag”. Ví dụ nhé:
Người Mỹ đề cao sự bình đằng (họ xưng hô bình thường chỉ có I và you) – Người châu Á đề cao tính tập thể, thứ bậc, lễ nghĩa (chúng ta có rất nhiều nhân xưng theo quan hệ gia đình và xã hội). Văn hóa phương Tây đề cao tính bình đẳng và khuyến khích sự trao đổi ý kiến tự do. Ngược lại, văn hóa Á Đông thường có sự phân tầng quyền lực rõ ràng, và khoảng cách về tuổi tác hay địa vị.
Sinh viên châu Á thường sợ mắc lỗi khi nói chuyện, đặc biệt là trong các cuộc đối thoại với những người có địa vị cao hơn hoặc lớn tuổi hơn. Sự khác biệt này khiến các bạn ngại tiếp xúc và hỏi chuyện với những người đa dạng hơn như là các giáo sư, anh chị tiền bối, những người alumni của trường, hay cả những người có tầm ảnh hưởng như các leader, manager, specialist trong các công ty – chính những người này lại là những người có thể giúp đỡ sinh viên rất nhiều trong việc tìm việc và tốt hơn trong lĩnh vực của mình, nhưng nhiều bạn lại chưa biết cách network để tận dụng được điều đó.

Người Mỹ tiếp xúc với thực tế sớm, trải nghiệm nhiều thứ – Người châu Á coi trọng thành tích học thuật hơn. Trẻ em phương Tây từ nhỏ đã được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thực tế, chẳng hạn như các dự án kinh doanh nhỏ, câu lạc bộ trường học và các sự kiện cộng đồng. Bạn có thể đã từng thấy tụi trẻ con lên Shark Tank Mỹ pitching “nhoay nhoáy”, nhưng lại thấy không nhiều ở châu Á. Như vậy, khả năng ăn nói, tiếp xúc với nhiều người và sự tự tin này đã được tụi Mỹ rèn luyện từ nhỏ – chắc chắn là sẽ tốt hơn so với những người hơi “lý thuyết” như chúng ta! Chúng ta lại thường tập trung vào việc học tập lý thuyết và thi cử, ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động thực tế ngoài đời. Vì vậy việc thiếu kỹ năng giao tiếp và tự tin khi tiếp xúc với những người lạ hoặc trong các tình huống xã hội cũng là điều dễ hiểu.

Rào cản ngôn ngữ: Thường thì mọi người ngại nói chuyện không phải vì không giỏi tiếng Anh, mà vì ban đầu còn tự ti về tiếng Anh còn lẫn accent Việt của mình. Thực ra thì accent cũng chỉ như giọng vùng miền, dù giọng điệu hay phát âm đôi chỗ có khác thì đa phần mọi người vẫn hiểu bạn muốn diễn đạt gì.
Chưa biết cách networking: Bước vào một môi trường mới lại còn khác biệt về văn hóa và siêu cạnh tranh, cảm giác ngợp và khác biệt là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta thường có xu hướng tìm về vùng an toàn của mình hoặc chỉ dám tiếp xúc với những người giống mình. Tuy nhiên để tận dụng được hết trải nghiệm du học, bạn cần biết cách network – vẫn thể hiện được mình, bản chất thật của mình mà vẫn kết nối với người khác, các đối tượng rất khác bạn ở cuộc sống du học để học hỏi và lớn lên. Và chẳng phải bạn chọn đi du học cũng là để gặp nhiều người, tiếp xúc với nhiều góc nhìn hay sao!
2. Làm sao để sinh viên Châu Á nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng có thể networking dễ dàng trên đất Mỹ
Mình có 4T dành cho bạn:
Tư duy cởi mở, chủ động. Đừng ngại là người bắt đầu cuộc trò chuyện. Yes, đi du học rồi hãy dừng việc ngồi chờ người khác đến làm quen với mình, nắm thế chủ động vẫn là tốt nhất. Đừng sợ khi đặt câu hỏi về một vấn đề gì. Khi mình thấy các bạn học rất tự nhiên say hi, good morning với mình, mình cũng quen điều đó và bắt đầu treo cửa miệng những câu chào, cảm ơn, xin lỗi,…
Trong khóa Networking dành cho Du học sinh, các bạn mentee của Onboard cũng đều được chỉ cho các cách để bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên nhất.
Tập dần thành quen thì mình sẽ có phản xạ mỉm cười chào hỏi mọi người, toát ra sự thân thiện. Mình cũng tiếp cận những người mình thấy thú vị từ những câu hỏi nhỏ, small talk, trao đổi thông tin thú vị, chẳng hạn “thời tiết ở đây có mấy mùa, ở chỗ mình chưa từng thấy thời tiết này bao giờ…”
Tập sự tự tin. Trong bài 5 kỹ năng giúp một du học sinh bứt phá so với số đông, mình đã nói về việc tự tin hoàn toàn có thể được luyện tập.
Tìm hiểu về văn hóa Mỹ: Khi thân với một vài bạn học rồi thì mình quan sát và hỏi họ xem ở đây mọi người ăn uống thế nào, nói chuyện ra sao, có suy nghĩ gì về chủ đề này,… Hiểu về văn hóa một đất nước đơn giản nhất là nhìn vào thói quen sinh hoạt hằng ngày của một người.
Tham gia nhiều hoạt động tập thể, tiếp xúc với nhiều người và học hỏi cách nói chuyện tự nhiên.
- Teamwork trong lớp học, trò chuyện với bạn học.
- Làm quen với roommate và hàng xóm.
- Bắt chuyện với những người mình hay gặp (giáo sư, nhân viên siêu thị, cán bộ trong trường,…)
- Tham gia các câu lạc bộ, hội sinh viên.
- Hoạt động trên các mạng xã hội, mạng xã hội sẽ gợi ý những người ở gần bạn, chung trường.

Sinh viên châu Á, sinh viên Việt Nam, có thể gặp nhiều khó khăn khi mới bước vào môi trường quốc tế. Bạn càng sớm nhận thức được những giới hạn của mình và quyết tâm thay đổi thì càng nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, ổn định cuộc sống và lấy đó làm bệ phóng để học tập tốt và tìm kiếm công việc trong mơ.