Vì sao tìm việc ở Mỹ khi là du học sinh lại khó khăn đến vậy?

Công việc

Vì sao tìm việc ở Mỹ khi là du học sinh lại khó khăn đến vậy?

Lý tưởng là du học sinh sẽ tìm part-time job hoặc internship từ năm 1, năm 2, rồi đến năm 3, 4 sẽ apply được công việc full-time. Nhưng thực tế là du học sinh rất khó tìm việc part-time (vì vấn đề visa), mà công việc trong trường (on-campus jobs) thì lại phải cạnh tranh với sinh viên bản địa.

Trong bài viết này, Onboard sẽ đưa ra một bức tranh tổng quan về tình hình thực tế tại thị trường lao động khốc liệt nhất thế giới. Nhưng điều đó không phải để bạn nản chí, chùn bước, mà để chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, sự kiên nhẫn và một kế hoạch hành động từ sớm!

1. Những khó khăn khi tìm việc của du học sinh

Đầu tiên phải kể đến visa. Theo một số liệu không chính thức, trong số các du học sinh tại Mỹ, chỉ khoảng 2-3% trong số họ có cơ hội (hoặc mong muốn) ở lại làm việc và định cư lâu dài. Là một du học sinh Mỹ, mình nhận thấy được vấn đề về visa và work permit chính là rào cản lớn nhất và vấn đề này cũng không nằm trong tầm kiểm soát của mình được vì mọi giấy tờ ở Mỹ đều được thông qua 1 hệ thống “Lottery” – quay xổ số.

Sau khi tốt nghiệp và nhận được job, du học sinh sẽ có cơ hội tham gia “quay xổ số” để được visa H1B, và với sinh viên undergrad, tỉ lệ quay sẽ thấp hơn sinh viên graduate. Mỗi nước cũng sẽ có 1 quota nhất định. Trong năm 2024, có 780,884 hồ sơ đăng kí tham gia quay H1B, nhưng chỉ có 85,000 (khoảng 12%) là sẽ nhận được visa H1B làm green card. Ngoài ra, kể cả khi đã tốt nghiệp, một số trường chỉ cho bạn 1 năm sau tốt nghiệp ở lại Mỹ, ngoại trừ ngành STEM sẽ được 3 năm ở lại (trong điều kiện đã xin được việc làm). Điều này khiến cho rất nhiều nhà tuyển dụng không muốn thuê du học sinh đi làm.

Hãy tưởng tượng bạn là một một người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành, sẵn sàng làm việc chăm chỉ và đóng góp cho bất kỳ tổ chức nào. Tuy nhiên, ngay cả trước khi bạn có thể thể hiện kỹ năng của mình, một rào cản lớn đã xuất hiện: visa làm việc. Người bạn đến từ Columbia của mình kể rằng, khi được tham gia “coffee chat” với Apple, mọi việc diễn ra suôn sẻ cho tới khi nhà tuyển dụng hỏi bạn mình về visa đi làm. Ngay sau khi nghe nói bạn mình visa F1, nhà tuyển dụng đã “Sorry” ngay lập tức vì vị trí đó hiện không sponsor visa và không tiếp nhận sinh viên với OPT. Lí do là bởi vì quy trình xin visa như H-1B không chỉ tốn kém mà còn đòi hỏi phải trải qua nhiều bước phức tạp.

Những con số biết nói về tình tìm việc khó khăn ở Mỹ. Liệu có cách nào để nâng cao khả năng “may mắn” của mình không?

Tiếp đến là khác biệt về văn hóa làm việc, đòi hỏi du học sinh phải thích nghi và hòa nhập tốt. Văn hóa làm việc tại Mỹ có thể rất khác biệt so với những gì bạn đã quen thuộc ở quê nhà. Ở một số nơi, mọi người tuân theo một lịch trình nghiêm ngặt, trong khi ở Mỹ, sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng được đánh giá cao. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ phải học cách làm việc trong một môi trường mới mà còn phải nhanh chóng hiểu và thấm nhuần phong cách làm việc này để không bị tụt hậu. Hơn nữa, dù bạn có thể thông thạo tiếng Anh, nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự tin và rõ ràng trong một môi trường chuyên nghiệp là một câu chuyện khác. Nhiều ngành nghề đặc thù sẽ được ưu tiên tuyển người bản địa hơn hẳn ngành khác, ví dụ ngành liên quan tới quốc phòng, luật, chính sách công hay phát triển bền vững. Tuy nhiên cũng có một số ngành sẽ chào đón tất cả mọi người, nhưng như vậy sẽ yêu cầu kĩ năng của bạn phải thật sự vượt trội so với những người khác. Chính vì vậy, để thành công trên con đường này, bạn cần phải chuẩn bị rất kĩ và cần phải bền bỉ hơn những người khác.

Cuối cùng, không kém phần áp lực, là vấn đề tài chính. Hiện nay, chi phí du học Mỹ rơi vào khoảng $30.000 đến $90.000/năm (khoảng 700 triệu đến 2 tỷ VND). Không phải ai cũng đi du học theo diện học bổng toàn phần hoặc có gia đình hỗ trợ vững chắc về mặt tài chính. Áp lực tài chính có thể dẫn đến việc nhiều bạn dành thời gian đi làm những công việc không liên quan đến chuyên ngành học để trang trải học phí. Nhưng đến khi bắt đầu làm hồ sơ tìm việc, những kinh nghiệm làm việc đó lại khiến resume của bạn không đủ mạnh để cạnh tranh với những ứng viên khác.

2. Trong cái khó vẫn có lối đi – Làm thế nào để vượt qua những trở ngại khi tìm việc?

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi tìm việc về cả mặt pháp luật, văn hóa lẫn tài chính, du học sinh vẫn sẽ tìm được công việc mơ ước nếu có sự chuẩn bị kỹ càng từ sớm.

Điều gì khiến một nhà tuyển dụng CHỌN bạn – một du học sinh, cho dù phải lo thủ tục visa làm việc cho bạn và rất nhiều vấn đề khác? Câu trả lời là:

Về lý, họ thấy được năng lực của bạn. Điều này được chứng minh qua thành tích học tập, những dự án bạn đã tham gia, internship bạn đã hoàn thành,…

Về tình, họ sẵn sàng giúp đỡ bạn. Vì họ quen biết bạn, hiểu được câu chuyện của bạn, nhìn thấy sự nỗ lực của bạn, thậm chí là đồng cảm với bạn vì những mối liên hệ như: cùng là sinh viên một trường, cùng là dân nhập cư/du học, cùng trải qua những khó khăn khi sinh sống ở Mỹ,…

Ban đầu, bạn có thể cảm thấy ngại với việc đi rất nhiều networking event, career fair, gửi hàng trăm email, add LinkedIn hàng trăm người,… Nhưng đây chính là chi phí rẻ nhất để mở ra cơ hội cho bạn trong tương lai, giúp bạn bứt phá trong sự nghiệp. Nếu thiếu đi mạng lưới quan hệ, việc tự mình xoay sở có thể trở nên vô cùng gian nan. Bạn sẽ phải tự mày mò định hướng, và chỉ khi bạn thật sự xuất sắc mới có thể may mắn lọt vào vòng phỏng vấn của các công ty.

Tuy nhiên, làm thế nào để “xuất sắc” trong mắt người khác, hoặc nhà tuyển dụng lại là câu hỏi khó vì định nghĩa “xuất sắc” mỗi ngành nghề lại khác nhau. Điều này khiến nhiều người dễ dàng rơi vào tình trạng chán nản, muốn bỏ cuộc khi mọi nỗ lực tìm job không mang lại kết quả.

Trong trường hợp này, việc có một mạng lưới quan hệ tốt sẽ giúp bạn tìm ra con đường nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hãy tìm đến những người làm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm, lắng nghe lời khuyên từ họ. Họ sẽ chỉ dẫn cho bạn cách tiếp cận phù hợp, từ việc xây dựng một resume ấn tượng đến cách chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Quan trọng hơn, họ còn giúp bạn kết nối với những người khác trong ngành, từ đó mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình.

Onboard luôn tâm niệm “Your network is your net worth” là vì vậy. Networking vô cùng quan trọng trong hành trình tìm việc cũng như bất kỳ hành trình phát triển bản thân nào.

Mặc dù tìm việc ở Mỹ khi là du học sinh có thể là một hành trình đầy thử thách, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu biết sâu sắc về thị trường và một chiến lược rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể vượt qua và thành công. Hãy kiên trì, không ngừng nỗ lực và luôn luôn học hỏi từ mỗi trải nghiệm. Onboard sẽ luôn ở bên cạnh và hỗ trợ bạn bất cứ khi nào bạn cần. Chúc bạn may mắn và thành công trên con đường sự nghiệp tại Mỹ!

✈Onboard – Vì một hành trình du học thành công!

Connect with us:
📩 Email: info@onboard.vn
👥 Group “Du học sinh cùng nhau cất cánh”: https://www.facebook.com/groups/duhocsinhonboard
🌐 Fanpage “Onboard Du học”: https://www.facebook.com/onboard.duhoc

Chia sẻ